Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Sau sáu năm áp dụng vào thực tiễn, Luật này đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu cơ bản đặt ra, thiết lập được một cơ chế khả thi để người bị thiệt hại được thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hoạt động công vụ, nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp bị thiệt hại.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước qui định trách nhiệm bồi thường trong phạm vi như sau:
1. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động hành chính;
2. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng;
3. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự và hình sự;
Bên cạnh những thành tựu mà Luật này đem lại thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong các lĩnh vực, đặc biệt bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu về quy trình thủ tục hành chính, và trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường cho người dân. Đây là một trong những vướng mắc cần được sửa đổi trong thời gian tới. Việc xác định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; xác định mức thiệt hại được bồi thường trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn nên thực tiễn vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Vậy, khi xác định được việc phải bồi thường, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai? Cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại hay là cá nhân người thi hành công vụ gây ra lỗi. Trước tiên, phải căn cứ theo nguyên tắc được quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, theo đó thì Nhà nước sẽ là cơ quan phải đứng ra, dùng ngân sách để khắc phục bồi thường oan sai trong các trường hợp này. Cá nhân phải có trách nhiệm hoàn trả, còn mức hoàn trả phụ thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý, điều kiện kinh tế và mức độ thiệt hại. Việc xác định mức hoàn trả này được thực hiện theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và theo nguyên tắc quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cụ thể: Ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của cá nhân theo quy định. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường. Với lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Ðiều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Tại sao pháp luật lại quy định như vậy? Lý giải về vấn đề này, thì nhiều quan điểm cho rằng Nhà nước phải đứng ra bồi thường vì trong quan hệ này là quan hệ giữa Nhà nước với vai trò là chủ thể đại diện cho người thực hiện công vụ với người có quyền, lợi ích liên quan chứ không phải bồi thường “tay đôi” giữa công chức với người bị oan, sai. Quan trọng hơn là việc cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm đứng ra bồi thường trước sẽ khả thi, nhanh bù đắp, bảo đảm lợi ích cho người bị thiệt hại, tránh kéo dài gây thêm thiệt hại cho những người bị oan sai cũng như gia đình họ.
Điền hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra từ năm 2003. Khi đó tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan. Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và cho rằng ông này là hung thủ của vụ án. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó, mặc dù ông Chấn hết sức kêu oan nhưng vẫn bị quy tội Giết người và chịu mức án chung thân. Cuối năm 2013, khi hung thủ gây án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn chính thức được minh oan. Cuối cùng, cơ quan tố tụng và gia đình ông Chấn đã thống nhất với mức bồi thường là 7,2 tỷ đồng. Số tiền bồi thường này được trích từ Ngân sách nhà nước. Vậy sai sót từ phía cơ quan nào dẫn tới án oan của ông Chấn như vậy? Có thể thấy, sai sót xuất phát ngay từ giai đoạn điều tra, và kéo theo những giai đoạn tố tụng về sau. Số người thi hành công vụ liên quan đến án oan của ông Chấn phải là nhiều cá nhân. Vậy nếu phải hoàn trả số tiền mà nhà nước đứng ra bồi thường cho ông Chấn thì số tiền 7.2 tỉ đồng đó được tính toán như thế nào đối với những cán bộ gây ra oan sai để hoàn trả lại ngân sách nhà nước.
Như phân tích ở trên, những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại sẽ phải hoàn trả một phần cho ngân sách nhà nước. Nếu những người thi hành công vụ này không hoàn trả hay không có khả năng hoàn trả thì chính người dân sẽ phải gánh vác toàn bộ các khoản bồi thường thiệt hại này. Về thực tiễn, hiện những trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước vậy người dân có quyền được biết và giám sát hay việc hoàn trả vẫn mang tính nội bộ? Người thi hành công vụ làm sai gây tổn thất và nhà nước phải bồi thường cho người bị oan sai lại lấy phần lớn ngân sách do người dân đóng góp để bồi thường. Đây là một vấn đề mà các cơ quan nhà nước nên xem xét và có cơ chế minh bạch, rõ ràng.