Tháng Mười 19, 2023

CẢNH GIÁC KHI BỖNG NHIÊN NHẬN ĐƯỢC TIỀN QUA CHUYỂN KHOẢN NGÂN HÀNG

tk-1661530898317

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các giao dịch chuyển tiền online thông qua các ứng dụng ngân hàng số hay qua máy ATM ngày càng trở nên phổ biến bởi sự thuận tiện, nhanh chóng.

Nếu một ngày, bạn đột nhiên nhận được một khoản tiền qua tài khoản ngân hàng mà không biết người gửi là ai, hãy cẩn thận vì đó có thể không phải là chuyển nhầm mà là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, đồng thời cũng không được tự ý rút tiền ra vì bất cứ mục đích gì vì điều đó có thể khiến bạn gặp rắc rối.

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Nếu người chuyển nhầm hoặc ngân hàng chủ động liên lạc lại, bạn hãy hợp tác với họ để chuyển lại số tiền mà bạn nhận được. Nếu người chuyển nhầm hoặc ngân hàng chưa liên lạc lại, bạn có thể tự đến cơ quan công an hoặc ngân hàng để báo việc nhận được khoản tiền lạ, các cơ quan này sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý.

Nếu bạn nhận được tiền qua chuyển khoản mà rút hết số tiền đó ra, cố ý không hoàn trả lại hoặc do đã tiêu xài mà không còn khả năng hoàn trả, ngân hàng sẽ liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như công an, Toà án để có hướng giải quyết. Bạn có khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, bạn có thể bị phạt hành chính từ 03-05 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản, quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng … sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

  1. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên … thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm”.

Trường hợp khác, việc chuyển khoản “nhầm” này thực chất là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Số tiền chuyển khoản sẽ kèm với nội dung “cho vay tiền”, “giải ngân khoản vay”, sau đó, các đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính để liên hệ, yêu cầu bạn phải trả khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.

Cũng là một thủ đoạn lừa đảo, đối tượng sẽ chuyển tiền cho bạn, sau đó giới thiệu là người nước ngoài, xin được nhận lại số tiền đẫ chuyển nhầm. Bạn sẽ được yêu cầu truy cập vào đường link để chuyển tiền qua ngân hàng nước ngoài, những đường link này sẽ giúp các đối tượng lấy hết số tiền trong tài khoản của bạn.

Quý độc giả hãy hết sức lưu ý, khi nhận được tiền chuyển khoản mà không rõ nguồn gốc số tiền, tốt nhất hãy liên lạc với cơ quan công an hoặc ngân hàng để trả lại số tiền cho người đã chuyển, không chuyển tiền cho bên thứ ba nếu không có một trong các cơ quan này làm chứng. Bạn cũng không nên tự ý tiêu tiền nhận được để tránh các rắc rối phát sinh.

👉 Để được tư vấn các vấn đề pháp lý, Quý khách liên hệ:
☎️ Tổng đài tư vấn: (024)3.7222345 – 6.287.2777
📱 Hotline: 091.121.9099
🏣 Hoặc đặt lịch tư vấn tại Văn Phòng: Căn 14 – Manor 1 Str Sunrise A – KĐT The Manor Central Park Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Câu chuyện pháp luật, Chưa phân loại, TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button