Việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản nông, lâm, thủy sản gần như trở thành vấn nạn tại Việt Nam. Đó là một tội ác, bởi nó gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng con người.
Việc nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng con người không xảy ra tức thì mà ngấm dần theo thời gian để cả một dân tộc đứng trước đại dịch ung thư hiện không thể khống chế nổi tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về các ca ung thư, hiện cả nước có khoảng 240.000-250.000 người mắc ung thư, trong đó mỗi năm phát hiện thêm khoảng 150.000 người và 75.000 người tử vong mỗi năm. Thủ phạm số 1 của đại dịch ung thư là do thực phẩm bẩn.
Trước đây những chế tài xử lý của pháp luật đối với các hành vi này còn nhiều bất cập chưa đủ sức răn đe chủ yếu là cảnh cáo, xử lý hành chính, chỉ khi có hậu quả xảy ra thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các bất cập trên đã được khắc phục tại Bộ luật hình sự 2015, quy định chi tiết tại 4 điều: 190,191,193, 195 (so với Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung 2009 được qui định tại 3 điều: 155, 157, 158 nhưng nội dung khá chung chung) và đặc biệt một điều luật mới (Điều 317 qui định về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm). Một điểm nổi bật là các điều luật cũ không qui định trách nhiệm của pháp nhân thương mại thì tại các điều luật mới đã qui định rõ trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với các hành vi này.
Như vậy, Bộ Luật Hình Sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016) thì chỉ cần phát hiện có hành vi là đã cấu thành tội phạm, mà không cần chứng minh hậu quả xảy ra vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải chịu hình phạt về tiền và tù có thời hạn, hình phạt tù cao nhất lên đến 10, 15 hoặc 20 năm hoặc tù chung thân (theo từng điều luật). Cũng như hành vi sử dụng chất cấm trước đây vẫn có thể bị xử lý hình sự nhưng với quy định phải “cấu thành vật chất”, tức là gây ra hậu quả mới đủ căn cứ để xử phạt, vì vậy rất khó thực hiện bởi thực phẩm có chất cấm đưa vào cơ thể không dễ gây ra hậu quả ngay, mà trải qua thời gian tích tụ dần mới phát bệnh. Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/07/2016 qui định chỉ cần “cấu thành hình thức” thay vì “cấu thành vật chất” như trước đây là đã có thể xử lý hình sự. Chỉ cần có hành vi đưa các chất cấm, các chất không được sử dụng vào thực phẩm là đã cấu thành tội phạm mà không cần chứng minh hậu quả trên sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể nói với các điều luật viện dẫn trên đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm.Với chế tài nghiêm khắc như vậy mới đảm bảo đủ sức răn đe, cũng là lời cảnh báo cho những người có hành vi vi phạm phải chùn tay trước việc đang gieo những cái chết âm thầm cho đồng loại.
(Chi tiết của các điều luật viện dẫn bên trên xem tại Bộ Luật hình sự 2015)