Tháng Hai 22, 2024

THỜI HẠN NỘP BÁO CÁO TÀI CHÍNH VÀ MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI NỘP TRỄ HẠN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP

bao-cao-tai-chinh-la-gi

1. Báo cáo tài chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật kế toán 2015 về báo cáo tài chính được định nghĩa: Báo cáo tài chính là tổng hợp thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được báo cáo theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Báo cáo tài chính áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có trách nhiệm lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động và các dòng tiền của một doanh nghiệp, thoả mãn yêu cầu quản lý của chủ sở hữu doanh nghiệp, cơ quan Quản lý Nhà nước và sự cần thiết của những người sử dụng trong quá trình đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC phải cung cấp đầy đủ thông tin của một doanh nghiệp như: Tài sản; Nợ phải trả; Vốn chủ sở hữu; Doanh thu, Thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; Các nguồn tiền.

2. Vai trò của báo cáo tài chính doanh nghiệp

Về vai trò, đối với công tác quản lý của doanh nghiệp, cụ thể: doanh nghiệp, báo cáo tài chính nắm giữ một vị trí vô cùng quan trọng.

Phản ánh tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình tài chính trong kỳ của doanh nghiệp một cách toàn diện. Qua đó, cung cấp số liệu phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn cũng như khả năng huy động nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp chủ doanh nghiệp hoạch định chính sách quản lý, sử dụng tài sản và huy động vốn, dòng tiền cho hợp lý.

Bên cạnh vai trò phục vụ nhu cầu giám sát, điều hành của các nhà quản lý doanh nghiệp, báo cáo tài chính cũng thể hiện được vai trò nhất định của mình đối với các nhà đầu tư, người lao động cũng như cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp.

3. Thời hạn nộp báo cáo tài chính của Doanh nghiệp

Về thời hạn nộp báo cáo tài chính được quy định cụ thể tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:

a, Đối với doanh nghiệp nhà nước

– Thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý:

+ Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;

+ Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

– Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:

+ Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;

+ Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

b, Đối với các loại doanh nghiệp khác

– Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;

– Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

4. Mức xử phạt hành vi nộp trễ hạn báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Theo quy định Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định nộp và công khai báo cáo tài chính

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.

Đồng thời, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng: Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ những nội dung trên thì Doanh nghiệp thực hiện nộp báo cáo tài chính cho: Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp cấp trên (nếu có). Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần nộp thêm cho cả cơ quan tài chính. Trường hợp doanh nghiệp có tham gia thị trường chứng khoán cần nộp thêm cho Ủy ban Chứng khoán.

Báo cáo tài chính là cách các doanh nghiệp truyền đạt dữ liệu tài chính cho các bên liên quan bên ngoài và bên trong. Các bên liên quan bên ngoài như cơ quan chức năng, cổ đông, nhà đầu tư cũng như người cho vay, sử dụng báo cáo tài chính để đưa ra kết luận về sức khỏe tài chính hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính có thể là một hệ thống phức tạp để đưa vào sử dụng, nhưng đây vẫn là một quá trình cần thiết để điều hành doanh nghiệp thành công.

👉 Để được tư vấn các vấn đề về doanh nghiệp. Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Tâm Anh
🏣 Văn Phòng: Căn 14 – Manor 1 Str Sunrise A – KĐT The Manor Central Park Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
☎️ Tổng đài tư vấn: (024)3.7222345 – 📱 Hotline: 091.121.9099 – Zalo: Luật Tâm Anh
📧 Luatsu@luattamanh.com.vn
Website: Luattamanh.com.vn
TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN, TT&SK TƯ VẤN DOANH NGHIỆP

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button