Tháng Một 2, 2024

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ LOGO DOANH NGHIỆP

tải xuống

Logo của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp định vị doanh nghiệp trên thị trường, góp phần quan trọng vào thành công của doanh nghiệp. Logo của doanh nghiệp có thể được thể hiện bằng hình, chữ cái hoặc cả hai, logo cần phải dễ nhớ đối với khách hàng và có thể phân biệt với các doanh nghiệp khác.

Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp chưa có quy định bắt buộc đăng ký logo doanh nghiệp, tuy nhiên để thuận tiện cho việc kinh doanh và tránh các tranh chấp phát sinh, doanh nghiệp nên đăng ký logo doanh nghiệp theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.

  1. Các hình thức đăng ký bảo hộ cho logo doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì logo doanh nghiệp có thể được bảo hộ quyền tác giả dưới các loại sau:

– Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng.

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm. (Nghị định 17/2023/NĐ-CP)

– Nhãn hiệu.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Xét về giá trị bảo hộ và thực tế mà Luật Tâm Anh đã tư vấn, thực hiện cho nhiều khách hàng, đăng ký logo dưới dạng nhãn hiệu sẽ dễ thực hiện hơn và có mức độ phân biệt với các nhãn hiệu khác cao hơn.

  1. Thủ tục đăng ký

2.1. Thủ tục đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Theo Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bao gồm:

(1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

(2) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

(3) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

(4) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

(5) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

(6) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ trong trường hợp từ chối hồ sơ.

2.2. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

2.2.1. Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ

Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, người nộp đơn cần thực hiện thủ tục tra cứu nhãn hiệu sơ bộ và tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu. Việc này tránh được các khả năng đăng ký nhãn hiệu không thành công do nhãn hiệu bị trùng hoặc có nhiều điểm tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác.

Sau khi tiến hành tra cứu, người nộp đơn đánh giá có khả năng đăng ký thành công thì sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

2.2.2. Quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

– Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và nộp lệ phí đăng ký. Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

– Bước 2: Thẩm định hình thức đơn, tức là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không

+ Trường hợp đơn hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

– Bước 3: Công bố đơn. Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Bước 4: Thẩm định nội dung đơn, tức là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Thời gian thẩm định nội dung của nhãn hiệu: 09 – 12 tháng.

– Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

– Bước 6: Nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng nhãn hiệu. Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu trong thời gian 01-02 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

👉 Để được tư vấn về đăng ký SHTT. Quí khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Tâm Anh
🏣 Văn Phòng: Căn 14 – Manor 1 Str Sunrise A – KĐT The Manor Central Park Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
☎️ Tổng đài tư vấn: (024)3.7222345 -6.287.2777
📱 Hotline: 091.121.9099
📧 Luatsu@luattamanh.com.vn
Website: Luattamanh.com.vn
Góc nhìn luật sư, TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button