Tháng Mười 16, 2023

HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC THUẬN TÌNH LY HÔN

ly hôn

Khi không còn tiếng nói chung, mục đích của hôn nhân không đạt được, vợ chồng có thể cùng thoả thuận để cùng yêu cầu ly hôn. Điều 55 Luật HNGĐ năm 2014 quy định “nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án giải quyết việc ly hôn”.

  1. Hồ sơ thuận tình ly hôn gồm có:

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân của vợ và chồng;

– Bản sao có chứng thực Giấy khai sinh của các con, kể cả con đã đủ 18 tuổi và có đủ năng lực hành vi dân sự;

– Các giấy tờ chứng minh về tài sản, ví dụ như GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy đăng ký ô tô, xe máy; Sổ tiết kiệm…

– Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn theo mẫu. Đơn xin ly hôn cần thoả thuận đầy đủ về các vấn đề: quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung và nợ chung.

  1. Về thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn:

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Toà án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thoả thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thoả thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.

Như vậy, vợ chồng có thể nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Toà án nơi một trong hai bên cư trú, làm việc. Nơi cư trú theo Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định là nơi thường xuyên sinh sống, có thể là nơi công dân thường trú hoặc tạm trú.

– Thẩm quyền theo cấp:

Theo quy định tại điểm b khoàn 2 Điều 35 và điểm b khoản 1 Điều 37 BLTTDS năm 2015, Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn; trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì yêu cầu thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.

  1. Thủ tục giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn

– Nộp đơn yêu cầu thuận tình ly hôn:

Theo quy định của BLTTDS về giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thoả thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại các Điều 396, Điều 397, vợ chồng sẽ nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết thuận tình ly hôn, đơn yêu cầu cùng với các hồ sơ, tài liệu kèm theo như trên.

– Nhận đơn và xem xét đơn:

Toà án sẽ nhận và xử lý đơn, nếu đơn đã đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể yêu cầu, thẩm quyền của Toà án, nội dung đơn và hồ sơ tài liệu phù hợp thì Toà án thụ lý đơn, xét đơn và ra Quyết định giải quyết việc dân sự.

– Hoà giải

Thẩm phán được phân công sẽ tiến hành hoà giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

– Thẩm phán đưa ra quyết định

+ Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.

+ Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đủ các điều kiện: Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

+ Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án.

 

Chưa phân loại

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button