Tháng Mười Một 10, 2023

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM

TO-KHAI-DANG-KY-NHAN-HIEU

Để thương hiệu của mình được khách hàng dễ dàng nhận diện, tăng tính cạnh tranh trên thị trường đồng thời tránh việc bị lấy cắp hình ảnh, cần hết sức chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bài viết sau đề cập đến một số vấn đề chung về đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

  1. Nhãn hiệu được bảo hộ

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022 định nghĩa: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ như sau:

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ hoạ;
  2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác”.

Như vậy, nhãn hiệu có thể chỉ bao gồm chữ hoặc chỉ bao gồm hình, hoặc kết hợp giữa cả chữ và hình, màu sắc cũng không bị giới hạn.

  1. Người có quyền đăng ký nhãn hiệu và số lượng nhãn hiệu được đăng ký

Quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, sửa đổi, bổ sung năm 2009:

  1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
  2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng lý nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
  3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với các dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng sở hữu với những dấu hiệu sau đây:
  6. Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
  7. Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
  8. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
  9. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Như vậy bất kì cá nhân hoặc pháp nhân nào đều có quyền đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, số lượng nhãn hiệu mà mỗi cá nhân hoặc pháp nhân được đăng ký cũng không bị giới hạn.

III. Cơ quan thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu

Cục  Sở hữu trí tuệ trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Cá nhân, tổ chức có thể đến nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ

  1. Thời gian bảo hộ nhãn hiệu

Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022: “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”.

Để gia hạn hiệu lực chủ sở hữu cần nộp yêu cầu gia hạn và đóng phí, lệ phí theo quy định.

  1. Trình tự thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
  2. Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ

Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, người nộp đơn cần thực hiện thủ tục tra cứu nhãn hiệu sơ bộ và tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu. Việc này tránh được các khả năng đăng ký nhãn hiệu không thành công do nhãn hiệu bị trùng hoặc có nhiều điểm tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác.

Sau khi tiến hành tra cứu, người nộp đơn đánh giá có khả năng đăng ký thành công thì sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

  1. Quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

– Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và nộp lệ phí đăng ký. Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

– Bước 2: Thẩm định hình thức đơn, tức là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không

+ Trường hợp đơn hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

– Bước 3: Công bố đơn. Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Bước 4: Thẩm định nội dung đơn, tức là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Thời gian thẩm định nội dung của nhãn hiệu: 09 – 12 tháng.

– Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

– Bước 6: Nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng nhãn hiệu. Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu trong thời gian 01-02 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Trường hợp Quý khách cần tư vấn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Quý khách liên hệ Công ty Luật TNHH Tâm Anh
🏣 Văn Phòng: Căn 14 – Manor 1 Str Sunrise A – KĐT The Manor Central Park Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
☎️ Tổng đài tư vấn: (024)3.7222345 – 📱 Hotline: 091.121.9099 – Zalo: Luật Tâm Anh
📧 Luatsu@luattamanh.com.vn
Website: Luattamanh.com.vn
TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN, TT&SK NHÃN HIỆU

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button