Tháng Mười 20, 2017

THỪA KẾ BẰNG MIỆNG

  LÀM SỔ ĐỎ CHO ĐẤT THỪA KẾ BẰNG MIỆNG

      Năm 2006, bố mẹ tôi mất vì tai nạn giao thông. Trước khi mất, bố mẹ tôi không kịp làm di chúc. Nhưng khi còn sống bố mẹ tôi đã chia tài sản cho các con như sau: Tôi là con út ở với bố mẹ nên sẽ được hưởng toàn bộ nhà đất. Anh trai tôi đã lấy vợ ở riêng nên bố mẹ tôi đã cho tiền để mua nhà riêng. Việc chia tài sản là lời nói miệng chỉ trong nội bộ gia đình biết nên không có người làm chứng. Mảnh đất tôi đang ở là của bố mẹ để lại hiện chưa có sổ đỏ. Nay tôi muốn làm sổ đỏ đứng tên tôi đối với mảnh đất đó có được không? ( Đinh văn Cường, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

    Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Tâm Anh, Luật sư xin tư vấn cho bạn như sau:
– Thứ nhất: vấn đề di chúc và thừa hưởng di sản thừa kế.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hình thức của di chúc quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 như sau: ” Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”.
Trong khi đó, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2005 quy định
“1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”.
Mặt khác, theo Khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi: “Nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Theo như bạn trình bày thì di chúc bằng miệng của bố mẹ không có người làm chứng. Vì vậy, di chúc này là chưa hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa, bạn sẽ không phải là người duy nhất được hưởng thừa kế nhà đất của bố mẹ bạn. Bởi lúc này, tài sản của bố mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật, nghĩa là chia đều có hai anh em bạn (hàng thừa kế thứ nhất). Trừ khi, anh em bạn tự thống nhất được với nhau. Khi đó, anh bạn sẽ làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế chuyển toàn quyền thừa hưởng thừa kế cho bạn. Lúc đó bạn mới có thể tự làm sổ đỏ mang tên mình.
– Thứ hai: điều kiện để được cấp sổ đỏ lần đầu.
Do bạn không nói rõ về hiện trạng, nguồn gốc mảnh đất của bố mẹ bạn nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác về các điều kiện để gia đình bạn làm sổ đỏ lần đầu cho mảnh đất. Nếu gia đình bạn còn giữ được một trong những giấy tờ về nguồn gốc mảnh đất theo Điều 100 Luật Đất đai thì gia đình bạn được cấp sổ đỏ như bình thường. Nếu, hiện tại gia đình bạn không giữ được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất thì sẽ áp dụng Điều 101 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:
“Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Bạn hãy đối chiếu quy định trên để biết được trường hợp cụ thể của gia đình mình khi tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho mảnh đất của bố mẹ để lại.

Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin tư vấn, hãy liên hệ với chúng tôi.
 (024) 6.287.2777 
 0913040830/0918510174
 kieuanh.vu@luattamanh.com.vn 
 Văn Phòng: Tầng 3 nhà C, số 32 Hào Nam, Quận Đống Đa, Hà Nội
Sự hài lòng của Quí khách chính là tiêu chí hoạt động của chúng tôi

anh_19

TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN, TT&SK TƯ VẤN ĐẤT ĐAI

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button