Tháng Năm 18, 2024

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VỚI THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO NGƯỜI LAO ĐỘNG GÂY RA

bồi thường thiệt hại

Theo pháp luật Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải bồi thường các tổn thất do người lao động của mình gây ra, căn cứ vào Điều 597 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra và Điều 600 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra. Điểm chú ý của chế định này chính là việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ thể không trực tiếp gây ra thiệt hại là người sử dụng lao động, trên cơ sở là người lao động đang thực hiện công việc mà người sử dụng lao động giao cho.

  1. Khái quát về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra trong pháp luật Việt Nam

Theo nguyên tắc chung của pháp luật dân sự Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người nào có hành vi gây ra thiệt hại thì người đó sẽ có trách nhiệm bồi thường. Nguyên tắc này đã được thể hiện tại khoản 1 Điều 604 BLDS năm 2005 và khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà pháp luật quy định một người phải có trách nhiệm bồi thường cho dù người này không trực tiếp gây ra thiệt hại, và các trường hợp mà người sử dụng lao động phải bồi thường cho thiệt hại mà người lao động gây ra cho một bên thứ ba khác cũng nằm trong số này. Mục đích chính của loại trách nhiệm này chính là nhằm giúp cho người bị thiệt hại có cơ hội nhận được đầy đủ, kịp thời phần bồi thường cho những tổn thất của mình; và người sử dụng lao động thường sẽ có điều kiện kinh tế tốt hơn để thực hiện trách nhiệm bồi thường so với người lao động làm việc cho họ.

Các điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra như sau:

– Theo pháp luật Việt Nam, BLDS năm 2015 quy định ít nhất hai điều luật có thể được trực tiếp sử dụng làm căn cứ để buộc người sử dụng lao động phải bồi thường thay cho người lao động khi họ gây ra thiệt hại, bao gồm Điều 597 và Điều 600 của BLDS năm 2015.

– Trước khi phân tích sâu hơn về các quy định này, cần lưu ý quy định của Điều 597 và Điều 600 BLDS năm 2015 không chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động mà còn điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể khác, cụ thể: Điều 597 BLDS năm 2015 quy định về “bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”, thì cụm từ “người của pháp nhân”, ngoài các nhân viên của pháp nhân thì còn bao gồm cả người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân để thực hiện một công việc nhân danh pháp nhân. Điều 600 BLDS năm 2015 quy định về “bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”, thì cụm từ “người làm công” ở đây ngoài việc chỉ người lao động thì còn được dùng để chỉ người làm việc không có quan hệ lao động – tức là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.

Khi xét tới các điều kiện để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động đối với các thiệt hại do người lao động gây ra, có thể thấy pháp luật Việt Nam nhấn mạnh hai điểm sau đây:

a, Người gây thiệt hại là “người của pháp nhân”, “người làm công”:

Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là một mối quan hệ mà người sử dụng lao động có sự quản lý, điều hành, giám sát đối với người lao động. Thực chất, đặc điểm chung của đa phần các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra trong pháp luật dân sự Việt Nam đó là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn có quyền quản lý, điều chỉnh hành vi của người gây ra thiệt hại, ví dụ như trường hợp người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại, thì cha mẹ có nghĩa vụ quản lý người dưới 15 tuổi khi thực hiện chức năng nuôi dạy, giáo dục của mình nên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi người dưới 15 tuổi gây thiệt hại. Trong trường hợp bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra, chính vì người lao động phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động nên người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại mà người lao động gây ra trong quá trình quản lý, điều hành, giám sát đó.

b, Người lao động gây ra thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được người sử dụng lao động giao cho:

Pháp luật Việt Nam quy định người sử dụng lao động chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được người sử dụng lao động giao cho. Đây là một điều kiện mang tính hệ quả cho việc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra gắn liền với sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động đối với người lao động.

  1. 2. Một số kiến nghị, đề xuất

          Một vấn đề mà pháp luật dân sự Việt Nam chưa đề cập trực tiếp đó là việc phân biệt người của pháp nhân/người làm công với những người khác cũng thực hiện công việc mà một chủ thể khác giao cho, ví dụ như các nhà thầu xây dựng công trình, họa sĩ thiết kế logo cho một công ty, bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân,…

Do người sử dụng lao động trong các trường hợp này phải bồi thường cho các thiệt hại do người khác gây ra, một vấn đề mà pháp luật cần phải đặt ra đó là phải đưa ra được các giới hạn để xác định người sử dụng lao động phải bồi thường tới mức độ nào. Ví dụ: Chủ đầu tư A thuê nhà thầu B xây dựng công trình. Trong quá trình xây dựng thì thợ xây của nhà thầu B bất cẩn gây thiệt hại cho người khác, vậy trong trường hợp này ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường. Theo hệ thống thông luật, đây là trường hợp mà chủ đầu tư A đã ký một hợp đồng dịch vụ với nhà thầu B, tức là họ không có sự kiểm soát đối với cách mà nhà thầu B xây dựng công trình đó, mà chỉ có thể đưa ra các yêu cầu đối với sản phẩm cuối cùng mà thôi. Vì vậy, việc yêu cầu chủ đầu tư A phải bồi thường đối với các thiệt hại do nhà thầu B gây ra trong trường hợp này là không hợp lý. Pháp luật Việt Nam lại chưa thực sự quy định rõ về vấn đề này, dẫn đến việc người sử dụng lao động đang có nhiều nguy cơ phải bồi thường cho các thiệt hại mà trên thực tế họ có rất ít khả năng để phòng ngừa ngăn chặn.

Pháp luật Việt Nam cần đưa ra các điều luật hạn chế trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các trường hợp mà việc bồi thường của người sử dụng lao động là không thỏa đáng. Khi hai bên ký hợp đồng dịch vụ, người sử dụng lao động cần phải chứng minh được mức độ kiểm soát của họ đối với người lao động khi người lao động đang thực hiện công việc, sự kiểm soát này được thể hiện thông qua các công việc mà hai bên đã thỏa thuận, ký kết trong hợp đồng lao động hoặc các mệnh lệnh của người chủ đối với người làm công mà không được ghi nhận trong hợp đồng lao động, nhưng vẫn nằm trong phạm vi nhiệm vụ mà người lao động phải thực hiện.

👉 Để được tư vấn về các vấn đề doanh nghiệp và lao động. Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Tâm Anh
🏣 Văn Phòng: Căn 14 – Manor 1 Str Sunrise A – KĐT The Manor Central Park Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
☎️ Tổng đài tư vấn: (024)3.7222345 -6.287.2777
📱 Hotline: 091.121.9099
📧 Luatsu@luattamanh.com.vn

 

TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN, TT&SK LS TRANH TỤNG TẠI TÒA, TT&SK TƯ VẤN DOANH NGHIỆP

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button